You are currently viewing Bài học từ những sai lầm của các CEO

Bài học từ những sai lầm của các CEO

Rất nhiều công việc đòi hỏi các CEO phải ra quyết định hàng ngày. Thậm chí người ta còn nói rằng nhiệm vụ chính của CEO là ‘ra quyết định’.

Nhờ ra quyết định hợp lý, nhiều CEO đã làm nên thành công vang dội cho công ty. Tuy nhiên cũng có rất nhiều CEO, kể cả những người tài ba nhất, từng gặp sai lầm trong quyết định của mình và nhiều người đã phải trả giá bằng nhiều tỉ đô la, bằng cả sự nghiệp, thậm chí bằng cả cuộc sống.

Những lần ra quyết định sai lầm ấy là bài học sâu sắc đối với chính họ, nhưng cũng là những bài học lớn cho mỗi chúng ta để có thể lựa chọn hướng đi đúng đắn hơn trong những hoàn cảnh tương tự.

Cú lắc đầu đáng tiếc trước Google của CEO Excite

Có lẽ George Bell, CEO của Excite, hơn ai hết là người mong muốn được quay trở lại thời điểm năm 1999, để có thể sửa lại sai lầm quá lớn lúc này. Khi đó, Excite là một trong trang web có lượng truy cập lớn nhất nước Mỹ, còn Google mới ra đời đang chật vật tìm kiếm những khoản thu đầu tiên.

Hai đồng sáng lập của Google là Larry Page và Sergey Brin tìm gặp George Bell để chào bán toàn bộ Google cho Excite với giá chỉ 1 triệu USD. Nhưng Bell từ chối. Thậm chí sau đó Google giảm giá xuống còn 750 ngàn USD, Bell vẫn dứt khoát lắc đầu.

Larry Page & Sergey Brin

Larry Page và Sergey Brin, hai nhà sáng lập của Google. Ảnh: CNBC.

Nhưng chỉ 4 tháng sau, Google được rót 25 triệu USD từ các quỹ lớn. Và khi cổ phần hóa vào năm 2004, tức là chỉ 5 năm sau khi bị Bell từ chối mua lại, Google được định giá lên tới 1,4 tỉ USD, gấp hơn 2.000 lần cái giá mời Bell mua!

Chưa hết, trong khi Google ‘tung bay’ mạnh mẽ thành đế chế huyền thoại có sức thay đổi thế giới như hiện nay, thì Excite từ một công ty được định giá gần 6 tỉ USD năm 1998, đã thua lỗ thảm hại và phá sản vào cuối năm 2001. Từ đó đến nay, Bell gần như rút lui khỏi thương trường và chỉ đúng một lần trả lời phỏng vấn về lí do cũng như nỗi tiếc nuối khi từ chối Google.

Dù vậy, rất khó để ông có thể tránh được hoàn toàn cái tên Google, khi nó cứ đứng ngạo nghễ trên đỉnh thế giới internet và hàng ngày người ta nhắc đến con số vốn hóa 1 triệu tỉ USD đang cận kề. Con số ấy, gấp hơn 1,3 tỉ lần số tiền mà đáng lẽ Bell nên bỏ ra mua!

‘Tầm nhìn’, có lẽ đó là hai từ chính xác nhất giải thích cho sai lầm trong quyết định của Bell. Thành công vượt trội sẽ không dành cho những CEO không có đủ tầm nhìn. Và cũng sẽ không có đế chế nào vững bền mãi mãi nếu không thay đổi theo thời thế.

Không thấu hiểu tâm lý khách hàng, CEO Netflix suýt gặp nguy

Reed Hastings, CEO và đồng sáng lập của Netflix, từng hứng chịu một cơn thịnh nộ của cộng đồng vào tháng 9 năm 2011, khi ông tuyên bố rằng phần DVD của Netflix Hoa Kỳ sẽ tách khỏi dịch vụ phát trực tuyến và đổi tên thành Qwikster.

Reed Hastings, CEO và đồng sáng lập của Netflix. Ảnh: Forbes.

Mặc dù trang web Qwikster này được quảng cáo là sẽ giúp người dùng truy cập DVD thuận tiện hơn, nhưng khách hàng của Netflix chỉ cảm thấy bức xúc, họ chế diễu kế hoạch này khắp nơi, nhiều người phản đối trước viễn cảnh sẽ phải trả phí cho cả hai trang. Sự phản đối lớn đến mức Netflix đã phải dỡ bỏ kế hoạch này ngay sau đó.

May mắn cho Reed Hastings khi hành động tức thời lúc khách hàng còn chưa kịp tẩy chay nên Netflix đã đứng vững đến ngày hôm nay. Nếu ông không sửa sai ngay lập tức, không ai biết được Netflix sẽ bị rung chuyển đến thế nào.

Rõ ràng, bài học về việc thấu hiểu khách hàng là không bao giờ cũ, ngay cả với những CEO sừng sỏ và dày dạn kinh nghiệm nhất như Hastings.

Bill Gates ‘mặc kệ’ đối thủ khai phá thị trường

Không chỉ CEO Bell của Excite phải nuối tiếc, mà thành công rực rỡ của Google cũng là… một trong những sai lầm lớn nhất của đồng sáng lập kiêm CEO Microsoft, mặc dù tình huống không liên quan trực tiếp giống như Google với Excite.

Bill đã không nhìn ra được tiềm năng thị trường công cụ tìm kiếm kiểu như Google. Năm 1998, cùng thời điểm Google ra đời, Microsoft đã giới thiệu MSN search, nhưng trang này chỉ sử dụng một công cụ tìm kiếm có sẵn là Inktomi. Mục tiêu của Bill lúc đó có lẽ chỉ là tăng lượng trình duyệt mà không tập trung khai thác công cụ tìm kiếm, bỏ ngỏ cửa cho Google thoải mái chinh phục.

Bill Gates

Bill Gates đã không nhìn ra được tiềm năng thị trường công cụ tìm kiếm kiểu như Google. Ảnh: Black Enterprise.

Nếu lúc đó hình dung được đúng qui mô thị trường, chắc chắn Bill sẽ dễ dàng ‘đè bẹp’ CEO Page của Google bởi tiềm lực công nghệ sẵn có cùng nguồn tài chính dồi dào và đội ngũ nhân lực hùng hậu. Nhưng thương trường không phải là nơi đặt ra những chữ nếu như vậy. Bill đã sai trong ‘cuộc chơi’ này, như ông từng thừa nhận trước đây.

Sai lầm của Bill và chiến thắng của Google cũng là một bài học đáng giá cho các CEO nhỏ, rõ ràng các cá mập cũng không thể thấy hết được cả đại dương và luôn có nhiều dòng chảy đầy nguồn dinh dưỡng mà cá nhỏ có thể kiếm tìm.

CEO BP nhận ‘trái đắng’ vì lừa dối

Vụ nổ làm tràn hơn 130 triệu thùng dầu ra vùng biển Gulf của Mexico tháng 4 năm 2010 là một sự cố nghiêm trọng vẫn còn được nhắc lại đến ngày nay. BP thiệt hại nặng nề hơn 40 tỉ USD và Tony Hayward, CEO của BP thời điểm đó, đã phải ra đi. Ông cũng không bao giờ còn cơ hội gây dựng lại sự nghiệp nữa.

Mặc dù vụ việc nghiêm trọng, nhưng hậu quả với BP và với cá nhân Tony Hayward có thể đã không lớn đến như vậy nếu họ lựa chọn giải pháp phù hợp là công bố thông tin rõ ràng, đánh giá thiệt hại một cách chính xác và ngay lập tức có giải pháp khắc phục sự cố.

Tony Hayward

Ông Tony Hayward phải rời BP bởi vụ tràn dầu tãi vùng biển Gulf, Mexico. Ảnh: The Independent.

Bởi nguyên nhân vụ việc có thể không hoàn toàn do lỗi của BP hay của chính ông. Nhưng Tony lại chọn giải pháp… nói dối, che đậy tình huống. Ông tuyên bố trong một buổi họp báo rằng: ‘lượng dầu tràn quá nhỏ bé so với cả đại dương mênh mông’!

Khỏi nói dư luận phẫn nộ đến thế nào. Các nhà hoạt động môi trường kịch liệt phản đối và bất bình. Những cuộc điều tra được mở rộng hơn, và tất nhiên, BP tốn kém hơn vô số!

Sự trung thực trong hoàn cảnh nào cũng rất quan trọng. Nhưng trong kinh doanh, nó càng quan trọng hơn ngàn lần. Bài học này giờ đã quá thấm thía đối với Tony.

Yahoo ‘quên’ mình đang ở bên sườn dốc

Các đời CEO của Yahoo từ năm 2000 trở lại đây đều mắc sai lầm khiến đế chế hùng mạnh một thời ngày càng tàn lụi. Nhưng có lẽ, sai lầm lớn nhất lại thuộc về… chính người sáng lập ra nó, CEO Jerry Yang. Ông ngồi lại ghế CEO năm 2007 sau mấy năm Yahoo ‘loay hoay’ và người ta đã kì vọng dưới bàn tay ông, Yahoo sẽ trở lại guồng tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng tình hình vẫn không có gì khả quan. Điều đáng tiếc là, năm 2008, Yang đã từ chối đề nghị mua lại Yahoo của Microsolf với giá 44,6 tỉ USD.

Jerry Yang

Từ chối đề nghị mua lại Yahoo của Microsolf là một sai lầm lớn của Jerry Yang. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Có lẽ nếu là một CEO khác, Yahoo đã nhanh chóng được ‘sang tên đổi chủ’ bởi thời điểm đó Yahoo đã bắt đầu xuống dốc, các lãnh đạo hàng đầu của Yahoo đều cảm nhận được phía trước là rất nhiều sóng gió, khó khăn. Nhưng rất tiếc đây là CEO Yang, là người sáng lập với niềm kiêu hãnh và tình yêu gần như đến mức bảo thủ, ông quyết chí ‘ôm ấp’ đứa con của mình, nên Yahoo đã không được bán đi.

Mà giữ lại thì cũng không đủ lực để chống đỡ nữa. Yahoo tiếp tục suy thoái. Yang phải rời ghế CEO ngay chính năm đó. Loạt CEO đến sau cũng chỉ trụ được một thời gian ngắn. 3 năm sau, Yahoo cổ phần hóa với mức vốn hóa 22,2 tỉ USD, bằng một nửa mức Microsoft đã trả. Đến tận bây giờ Yahoo vẫn bị đánh giá là ‘cái bóng của quá khứ’ và nhiều đứa con của Yahoo cũng đã bị bán mình để cứu vãn công ty mẹ còn đang vẫy vùng trong khủng hoảng.

Vậy nên, bản lĩnh trong kinh doanh nhiều khi còn thể hiện ở hành động dám buông nữa. Khi cánh tay ta không đủ rộng dài để ôm ấp đứa con tinh thần của mình, cần mở rộng vòng tay cho nó tới với chân trời khác, đến với những người đủ khả năng làm nó phát triển, nếu ta muốn nó tiếp tục lớn thêm lên, hoàn thiện hơn, vĩ đại hơn. Với tư cách cá nhân, có thể Jerry Yang không hoàn toàn hối hận về quyết định của mình. Nhưng với quan điểm lợi ích của công ty, ông cũng đã từng thừa nhận rằng: ‘Lẽ ra lúc đó tôi nên làm khác đi’.